Thứ Ba, 10 tháng 8, 2010

Dòng chảy

Tôi cầm túi xách bước vào bến xe. Chưa kịp định hướng thì có một chú trẻ chạy tới:
- Về đâu, về đâu chị? Chị lên xe đi kiếm chỗ ngồi đi, để em xách cho.
Chú vừa nói vừa đẩy tôi lên xe, không kịp cho tôi phản ứng gì. Tôi đinh ninh chú là lơ xe nên giao túi xách rồi lên xe. Tôi tìm cho mình một chỗ ngồi thật an toàn. Anh Hai dặn, lên xe đừng ngồi gần tài xế nghen, lỡ có tai nạn thì …tan xác. Thôi ngồi chính giữa cho chắc ăn!
- Nè, uống nước đi chị!
Tôi tròn xoe mắt. Trời, không ở đâu lơ xe tốt như ở đây! Tôi cảm ơn rối rít:
- Cảm ơn em, chị uống rồi, em uống đi!
Cái mặt hớn hở của chú trẻ xìu xuống như bánh bao chiều:
- Em bán nước mà chị biểu em uống?
Tôi nhìn bịt nước đong đưa trên tay em. Tự nhiên mình trở thành kẻ ngớ ngẩn như người ngoài hành tinh. Tôi hốt hoảng tìm giỏ xách, may mà còn!
Xe nổ máy. Tôi định mua cái gì đó ăn nhưng sợ xe chạy nên thôi. Quả thật uổng công, xe ầm ầm, rùng rùng nhưng vẫn còn nuối tiếc đứng một chỗ vì khách chỉ có chục người. Có một vài hành khách hối hả chạy đến vì sợ lỡ chuyến.



Lướt qua tôi là những ngôi biệt thự, trông thật nguy nga, lộng lẫy. Tôi sợ người chủ nhà tiếp khách qua hàng rào sắt, có cổng khóa (bạn em, chị không biết nên chị không cho vô, tôi đành gởi quà rồi về). Càng sợ hơn khi cửa mở, con chó bẹc giê to xồ nhảy xổ tới (kẻ gian nhiều nên người ta phải có cách giữ nhà, cũng dễ hiểu). Chia tay thành phố năng động, ồn ào, đầy bụi khói, tôi trở về quê mẹ thân yêu, chưa kịp chia tay với anh. Về, mang theo nỗi buồn không tả. Hẹn mà không đến. Tiếng “Quên” trong điện thoại của anh gọn lỏn. Tôi bận thi, anh bận đi làm, đi tiếp khách. Gần tết rồi, bận lắm. Ai cũng bận. Ngưu Lang, Chức Nữ dù hẹn gặp nhau có một lần vào tháng bảy, nhưng không bao giờ trễ hẹn. Tháng bảy năm nào họ cũng được ôm nhau khóc lóc rả rích. Còn tôi và anh? Hẹn, lỡ hẹn. Hẹn, lỡ hẹn…



Có hai hành khách lên xe, hai cô gái nhỏ, họ tìm ghế có hai chỗ ngồi. Hành khách trên xe cười chế nhạo:
- Thử ngồi xa coi có chết hôn?
Phải chi có ai đó nhường cho chúng một ghế ngồi có hai chỗ cho chúng được kéo dài cảm giác chúng được bên nhau, không rời. Tôi nhớ cô học trò nhỏ của tôi, em thắt cổ chết. Em viết trong nhật ký rằng không ai hiểu em, không ai trả lời những câu hỏi cho em, thế là chết. Trong số thư từ của em, có một bức viết cho người bạn gái thân, còn hẹn kiếp sau sẽ là chị em ruột. Chắc chúng tưởng “ruột” là thân thương, bền chặt lắm vì có: chung cha mẹ, anh em, chung nhà, chung …nhiều thứ. Anh H. kể với tôi anh có hai em gái và một bà mẹ. Em gái anh làm đĩ.
- Mẹ anh biết không?
- Biết.
Tôi tắc tị. Tôi hình dung cuộc sống của anh qua lời kể. Tắm, xách thùng ra sông. Khát, qua nhà hàng xóm xin nước máy. Căn nhà nhỏ nuôi cá kiểng, loại cá một tháng không cho ăn gì vẫn sống (vì chủ nó hay đi vắng). Trên giá sách, hầu hết là sách cũ, giảm giá. Trên đó có nhiều sách của Đại học Tổng hợp (anh đang học).


Lướt qua tôi là những căn nhà lụp xụp: nhà lá, nhà thiết, nhà giấy…như những mục ghẻ to nhỏ, chi chít, chỗ lở loét, chỗ mới kéo da non…Rác, rác bày ra, lũ con nít và cả người lớn không sợ dơ, hôi, đã chơi với nó, bới, bới…Cũng như anh H.
- Chạy xích lô ế quá, phải đi bới rác thêm.
- Năm ngoái anh đi làm thợ hồ?
- Có, nhưng chịu không nổi. Phụ hồ cực lắm. Đi bới rác có khi trúng cũng được khá.
Tôi nhớ thầy dạy Từ vựng, người ta bới rác còn lựa ra nhiều loại: nhựa, sắt, nhôm, thủy tinh…Thầy thì không, thầy giảng từ: nách, quần đùi, vú…Hôm qua tôi giỡn với bé gái ba tuổi, tôi giơ tay dí dí:
- Mò vú nó!
- Tụi tĩu quá, cô tục tĩu quá! Nó la lên hốt hoảng.
Sáng sáng, trưa trưa, anh đi bới rác, tiền gởi ngân hàng. Thỉnh thoảng anh đi du lịch: Cà Mau, Lạng Sơn…bằng xe đạp.
- Anh vượt Trường Sơn bằng cách nào?
- Dắt xe đạp chín ngày đêm.
- Ăn, ngủ?
- Bụi.


Xe dừng ở một trạm xăng. Một đám người ùa lên xe. Bà ngồi cạnh tôi bị tấn công. Trong giỏ bà đầy họ để đầy ắp: kẹo, nước, bánh mì…Bà càm ràm:
- Ai ăn đâu mà mua!
- Bà không ăn, cháu bà ăn!
Đứa cháu nảy giờ ngồi im ru, bỗng la lớn:
- Con không ăn!
- Không ăn, xách về nhà ăn!
Tội nghiệp bà lão hiền lành, bà móc tiền ra trả đủ, cho yên. Một bài quảng cáo dài ngoẵng phát ra từ chiếc máy thu băng nghe chát tai. Một công ty gì đó ở Đài Loan, hợp tác với công ty gì đó ở Việt Nam, chế ra thuốc nhân sâm, gồm có chất A, B, C,…; trị bệnh D, E, F,…Giá gốc sáu ngàn đồng một viên, nay khuyến mãi ba ngàn đồng. Mỗi người chỉ mua được một vỉ năm viên. Nghe hạ giá phân nửa, người ta mua ào ào. Tự nhiên tôi muốn thành Tề Thiên Đại Thánh để trừ yêu quái lộng hành. Hôm qua, cuối đợt học, ai đó đề nghị liên hoan. Người đòi đi Vũng tàu, người đòi đi nhà hàng…Tôi ngồi im ru. Trong túi chỉ còn đủ tiền về xe. Số còn lại đã mua sách cho con. Anh H. ngồi lặng lẽ ở góc lớp. Anh nói đi đâu cũng nghe bia bọt, tưởng cái lớp hàm thụ này không có. Mọi người đang bàn ăn gì, ở đâu, mời những thầy cô nào?...thì anh H. khoe với tôi quyển sách anh mới mua ở hiệu sách cũ, đó là quyển: “Nhật ký trong tù”, xuất bản năm 76.
- Hai đồng (hai ngàn).
- Trời, rẻ thiệt!
Anh thở dài, tay anh lật qua lật lại những tờ giấy. Đôi tay dính đủ màu của rác…


- Ngoại, coi kìa ngoại!
Bé gái ngồi cạnh tôi hét lên. Tôi nhìn theo. Một cái nhà mồ mới xây, màu sắc rực rỡ. Ai được chôn trong nhà mồ đó, có hạnh phúc không? Nhưng chắc chắn người bỏ tiền xây nó sẽ mãn nguyện lắm! Nhà của người chết cũng đủ loại: đất, đá ong, đá rửa, xi măng, gạch men… Xây thành từng đôi, từng khu cho cả dòng họ. Không ai muốn chia lìa, cho dù đã chết. Con người ta sống gần nhau được bao lâu? Tôi và anh là nhân chứng, anh H. và vợ ảnh là nhân chứng.
- Anh được mấy cháu?
- Chưa, thì bà ấy đi rồi.
Sài Gòn giải phóng, anh học xong tú tài, đi thanh niên xung phong: khai hoang; tải đạn, cứu thương ở chiến trường Cam pu chia. Giải ngũ, anh làm công nhân cho xí nghiệp sửa chữa ô tô. Công ty giải thể, anh đạp xích lô. Đêm, anh đi học Đại học Kinh tế mở. Ngày, anh đạp xích lô chở khách, không dè đó là cô bạn học cùng lớp đêm.
- Anh và chị cưới nhau thế nào?
- Bà ấy tự đến rồi tự đi.
- Bao lâu?
- Bốn năm.
- Anh học Đại học Kinh tế sao không tìm việc làm?
- Học mới hai năm, mẹ tôi bị bắt ở tù, tôi bỏ học đi làm kiếm tiền lo cho má tôi.
- Sao ở tù anh?
- Làm Tú bà.
- Anh có biết vì sao chị ấy đi không?
Anh không trả lời. Tôi hình dung trong căn nhà anh, má anh làm Tú bà, em gái anh làm đĩ, vợ anh là con nhà quyền quý, chị ấy sống với anh bốn năm là quá nhiều rồi.


Hành khách đã xuống xe gần hết. Cuộc sống này ví như hành khách trên chuyến xe. Kẻ trước, người sau, lần lượt đến rồi đi…