Thứ Năm, 26 tháng 1, 2017

Chùm nhãn lồng chín mọng

Mười sáu tuổi chị đi lấy chồng. Chồng chị và chị không biết mặt nhau cho đến ngày đi coi mắt. Trước ngày đám cưới, lâu lâu anh qua làm rể, chị và anh cũng không nói chuyện để làm quen…
Chị hay kể chuyện cuộc đời mình cho con cháu nghe, để chúng thấy bây giờ chúng sung sướng hơn nhiều. Chúng được yêu, được chọn lựa vợ chồng…Không như chị. Rất may cho chị gặp anh hiền, hai năm trời chị không cho anh đụng vào người mình, vậy mà sau đó chị sanh cho anh tới sáu đứa con. Bây giờ già rồi, ngồi nhắc lại chuyện xưa để cười vui. Mấy đứa cháu của chị nó thích nghe chị kể chuyện làm dâu, nghe y như chuyện cổ tích, thiệt lạ! Con dâu không được bước lên nhà trên. Khi ăn cơm, phải ngồi gần nồi cơm để bới cơm cho cả nhà, lo bới cơm không ăn được bao nhiêu, đói từ ngày này qua ngày khác. Anh thương, dấu đồ ăn vô buồng cho chị ăn. Rất may, anh là người biết lo. Rồi anh trốn quân dịch, chị ở nhà có bầu thằng Hai, đẻ con, nuôi con một mình; thay anh phụng dưỡng cha mẹ anh và chăm sóc tám đứa em chồng, vì anh là anh Hai. Chị ở nhà hết chuyện ngoài đồng thì đến chuyện trong nhà. Con chị thì mấy đứa em chồng nó thay nhau giữ, chỉ có tối chị mới được gần con, ôm con ngủ trong mệt mỏi rã rời, đến nỗi không còn cảm giác thương nhớ anh là gì nữa.
Con Ba giận chồng xách gói về nhà chị. Thương con chị không nói gì. Để từ từ cho nó nguôi giận rồi chị khuyên răn nó. Hồi đó, chị làm dâu khổ trăm bề cũng cắn răng mà chịu, “con gái chê chồng của một đền hai”, đi như vậy là “bôi tro trát trấu” lên mặt cha mẹ mình, dòng họ mình. Nhưng bây giờ, chị hiểu con, chị không cảm thấy xấu hổ gì, chỉ vì tiếng tăm hư ảo mà vô tình mình đẩy con gái mình vào chỗ chết sao? Hỏi ra mới biết chồng nó đi uống bia ôm. Cái thằng coi “lù khù” vậy mà “vác lu chạy”. Bạn bè bây giờ cũng lạ, khích nhau vài câu là chơi cho tới bến, không kể gì tới vợ con.  Đâu vài bữa, chị tuyên bố: “Tao nuôi hết nỗi rồi, ai về nhà nấy đi”. Thằng rể mở cờ trong bụng, rước vợ về gọn hơ (mới phạm tội lần đầu mà biết ăn năn, được tha bổng).
Con dâu thứ hai sanh, mẹ nó mất, không chị em gái, con trai chị vụng về, thôi thì chị đi nuôi…Hồi đó, chị sanh con đầu lòng, má chị không cho chị bước xuống đất đúng một tháng. Nằm than, dằn bụng, xông hơ, uống nước đái con nít, ở dơ không gội đầu, ăn kho quẹt trường kỳ…khổ dàn trời mây. Bây giờ, con dâu chị nó nghe lời bạn bè, nó sợ cho con bú xấu, nó tập con nó bú sữa bình. Nó nghe lời bác sĩ, ăn uống không kiêng cữ gì. Mới sanh có một ngày nó tập đi…cho máu huyết lưu thông. Vì sợ cực, nó bọc thằng nhỏ trong tã giấy suốt, chị xót ruột vì thấy cháu mình bị hăm, lở loét, da nó non quá mà làm sao chịu thấu. Hồi chị sanh ba nó, giấy báo không có mà lót, phải cắt lá nhàu làm tã. Thằng cha nó lớn nhanh, học giỏi không thua kém ai. Nhưng chị không nói ra làm gì, đời nào theo đời đó. Nói nó ghét. Đời má chị không cho đàn bà học chữ, vì nếu biết chữ sẽ viết thư cho trai. Đời chị thì được đi học, phụ nữ “bình quyền”, còn được làm công chức, nhà văn, nhà thơ…Nhưng đàn ông được năm thê bảy thiếp, đàn bà vẫn khổ dài dài…Bây giờ đến đời con chị, nam nữ bình đẳng, một vợ một chồng, có luật hẳn hoi, mỗi đời mỗi khác. Thương con, chị cho qua hết. Chị sống không bao lâu nữa, nói chi cho nó ghét.
Chị có một người bạn hàng xóm, vài bữa là qua khóc với chị. Má chồng ở chung con trai và nàng dâu. Bà nội thương cháu nội, có gì ngon cũng để dành cháu nội ăn. Một hôm bà nội phát hiện ra nàng dâu nói với con mình: “Con không được ăn, dơ lắm”. Chị nhớ hồi đó, khi bà nội nó sanh thằng cha nó, bị bệnh sốt rét, da vàng khè, xanh chành, không đủ sữa cho con bú. Nó đói, nó khóc, dỗ hoài không nín, phải ẵm đi giáp làng giáp xóm. Gặp năm đói khổ, bà con thương tình có gì cho nấy, chỉ có nước cơm với đường hoặc cháo trắng…Vậy mà thằng nhỏ lớn, mạnh cùi cụi. Bà nội ở chung với con cháu mà suốt ngày như cái bóng thật là tội. Con dâu nó chê bà dơ, nó không nói ra, nhưng bà biết. Nó không cho bà ẵm con nó đi qua hàng xóm, nó nói ngoài đường có nhiều vi trùng. Nó đâu biết rằng chồng của nó hồi nhỏ hết người này tới người kia bồng ẵm, lê la khắp xóm…Cái thời chị và bà bạn hàng xóm của chị, có một anh chăn trâu, ăn thì ăn gạo sống, uống thì uống nước vũng (thấy nước trong trong là lấy tay bụm lên uống), mãn năm, mãn tháng có thấy ảnh đau ốm gì, mạnh sần. Thấy tình cảnh bạn, chị nghĩ đến mình. Chị ở một mình, không có gì đụng chạm. Có điều, ở một mình buồn…nhớ…thương…
Thấy cái cần câu nhớ thằng Hai (nó câu cá giỏi lắm, ai cũng nói nó có tay sát cá). Thấy mấy bình hoa vải nhớ con Ba (nó ham nên học lóm người ta về làm, đẹp không thua ai)…Ngồi buồn chị soạn quần áo cũ, nhớ từng đứa, từng đứa…Nhớ ngày sanh chúng ra, đến ăn thôi nôi, đứa nào bắt cái gì chị còn nhớ. Thằng Hai, ngủ một giấc dậy đói bụng, khi cho một mâm đồ để bắt một thứ, nó chớp cục xôi rồi ngồi ăn ngon lành, ai cũng nói thằng này số sướng, có người làm sẵn cho nó ăn. Mấy đứa con gái thì bắt cây viết, cái kéo, cái lược…Chỉ có con Tư thì không bắt gì. Nó nhìn hết cái mâm, rồi ngồi buồn so. Mọi người thúc giục: “Bắt đi con, của con đó, bắt đi!”. Nó nhìn mọi người rồi nhìn chị, nó đứng dậy ôm chị, dấu mặt trong ngực chị. Những người lớn tuổi nói: “Con nhỏ này không ham gì, chắc sau này đi tu”. Cuối cùng nó không chờ lớn để đi tu, nó bỏ chị đi lúc vừa bốn tuổi.”Con khôn không phải con mình”, ông bà mình hay nói như vậy. Nó mới bốn tuổi mà nó đọc thuộc lòng hết sách tập đọc của chị nó, không sai một chữ, chị mừng thấy con mình thông minh  nhưng chị cũng lo…Nó đang chạy chơi với anh chị nó, bỗng dưng nó xỉu xuống, giựt giựt vài cái rồi đi luôn. Chồng chị bồng con trên tay, con nhỏ nằm dịu nhỉu, ấm hỉm. Chị làm sao quên được cái cảm giác chồng chị và mấy người hàng xóm cưa bộ ván đóng quách cho con. Mỗi đứa con là một núm ruột của chị. Phải chi nó đau bệnh, chạy chữa cho nó hết tiền hết bạc chị không hối hận, nó đi đột ngột…chị không đành lòng.
Nhìn lên bàn thờ thấy anh. Anh đi cũng đột ngột như con Tư. Anh ở ngoài vườn mía, vô nhà uống chưa hết ly nước trà, anh than mệt, chị khuấy ly nước chanh chưa tan đường thì anh đi…Nay đã bốn năm rồi…Vườn rộng thênh thang, ngôi nhà này nhìn đâu cũng thấy hình bóng chồng con, nhìn đâu cũng thấy kỉ niệm…Chị nuôi mấy con mèo cho vui, mèo mẹ đẻ mèo con…lớn nhỏ tám con. Nhờ có nó, chị nấu cơm đúng bữa cho nó ăn rồi chị ăn luôn.
Con chị nó gắn điện thoại để tiện liên lạc với chị. Tụi nó lúc nào cũng bận rộn, nên ít khi gọi cho chị. Nhớ con cháu quá, chị gọi. Nói vài câu thì chúng cúp máy…Chị an ủi mình: “Nước mắt chảy xuôi”. Khi điện thoại reo là y như rằng: “Má ơi, thằng Nam nằm nhà thương, má lên phụ con”; “Vợ chồng con đi công tác vài ngày, mà lên ở với con Dung dùm con”; “Chị giúp việc nghỉ rồi, con chưa tìm được người, má coi dưới quê có ai mướn dùm con”; …
Vui nhất và bận rộn nhất là mấy tháng hè. Cháu chị nó về thăm chị. Tụi nó giỡn, nó chơi, nó bày đầy nhà…chị vẫn vui. Tối nó quấn bên chưn chị để nghe chị kể chuyện đời xưa. Chị thấy mình không bất hạnh như bà bạn hàng xóm.

Sáng nay, chị đi tìm hái nhãn lồng chín. Lúc còn nhỏ, con chị đứa nào cũng thích ăn nhãn lồng chín. Mỗi khi đi làm ruộng về chị hay tìm hái cho chúng. Chị cột những trái nhãn lồng thành từng chùm. Bên ngoài từng trái nhãn lồng vàng có bọc một lớp màu xanh, giống cái lồng. Thật là thích thú khi bóc cái lồng, giựt cuống, có một cái lỗ trống rồi đưa lên miệng mút, vừa thơm, vừa chua chua, ngọt ngọt…Ăn hết một chùm vẫn còn thấy thèm. Chị hớn hở mang về cho cháu, mỗi đứa một chùm. Chưa kịp nghe bà chỉ cách ăn thì nàng dâu của bà lên tiếng: “Má vô ăn sáng”. Thấy nó nhìn mấy đứa nhỏ bà biết. Bà nghe lỏm bỏm: “ăn chết”, “dơ lắm”, “rửa tay ngay”,…Ừ, dù sao nó nói cũng không để chị nghe, tại vô tình chị nghe…

Tết 2017