Thứ Năm, 1 tháng 8, 2019


NHỚ LÁ CHUỐI, LÁ SEN NGÀY ẤY…
Hồi học tiểu học, những năm 70, tôi nhớ như in món khoai mì trộn dừa của bà Tư. Nó được gói bằng lá chuối. Mỗi sáng, bà bưng một thau khoai mì trộn dừa, một chén muối mè hay đậu phộng, cùng với một rổ lá chuối đã lau sạch, xé thành từng miếng bằng bàn tay. Mỗi khi có người mua, bà lấy lá chuối, xúc khoai mì vô, rắc  muối mè  lên rồi gói bốn góc lá lại (dĩ nhiên là có một chỗ trống để mình ăn). Nếu mua về nhà, bà lót thêm một miếng lá phía trên, kín mít. Ngày đó, trẻ con không có nhiều thức ăn để chọn lựa như bây giờ. Đi học, chỉ lót dạ bằng bánh khoai mì, khoai lang, xôi, bắp,... Nhưng hương vị ngọt, bùi,  béo, thơm mùi lá sen, lá chuối ấp ủ trong nó, khó mà quên. Sân trường lúc đó có rất ít rác, chủ yếu là dọn lá cây rụng.
Khi tôi lên cấp hai, mẹ tôi sắm cho tôi một cặp thùng, một cần gánh và một cặp móc, bà tập cho tôi gánh nước. Hai thùng nước đầy, gánh đi xa, dễ bị sánh nước đổ ra ngoài, nên mẹ tôi hái hai lá sen to, để lên mặt thùng. Mấy cô, mấy dì, ai cũng làm như thế. Mình cứ bước nhịp nhàng, gánh nước trên vai, đi một hơi về nhà, nước không rớt ra ngoài một giọt. Ngoài chợ, hầu hết thức ăn như bún, bánh, bắp, xôi,…thậm chí thịt, cá cũng đều được gói bằng lá chuối, lá sen. Không ai chê mất vệ sinh, không ai trúng thực vì lá sen, lá chuối. Ngày Tết, ngày giỗ, ông bà còn dùng lá chuối để gói bánh ít, bánh tét để cúng và biếu bà con.
Con nít còn dùng lá chuối cất chòi chơi, dùng lá sen làm dù, làm lộng che cho cô dâu trong trò đám cưới. Mấy đứa con trai, dùng lá chuối xé te tua, làm quần áo ra trận, đánh giặc. Con nít chơi cả ngày không chán, la hét nhoi trời. Chiều chiều, còn trốn nhà đi tắm sông, con nít nhờ lặn ngụp sớm, đứa nào cũng biết lội. Không ai dạy bơi, cứ chòi đạp lung tung, miễn sao xuống nước nổi lên là biết lội, người ta gọi là bơi chó…được cái, không nghe con nít bị té sông chết trôi.
Nghe đâu, nước ngoài, trong nước đã rụt rịt dùng lá chuối, lá sen gói đồ như ngày xưa…làm mình chạnh lòng nhớ một thời tưởng chừng đã xa…luôn!


BỎ BIÊN CHẾ, MỘT TRẬN CHIẾN KHỐC LIỆT!
Cũng phải nhìn nhận, bỏ biên chế sẽ giúp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cố gắng về mọi mặt, để làm việc lâu dài, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công việc mà mình được phân công. Đào thải, đó cũng là tuân theo quy luật, cho xã hội phát triển.
Người có đủ năng lực và phẩm chất, có tay nghề cao, sẽ không lo ngại chi, bỏ hay không bỏ biên chế không ảnh hưởng gì đến họ, mỗi năm chỉ ghi lại hợp đồng, cho đúng thủ tục.
Điều lo ngại và khốc liệt ở chỗ người thực thi. Sếp có thật sự công tâm, có dám quyết định ký hay không ký hợp đồng nhân viên của mình. Trong môi trường làm việc cạnh tranh, ai cũng lo sợ sang năm sẽ không được ký hợp đồng lại, mất đoàn kết, ganh đua ngấm ngầm sẽ nảy sinh. Sẽ có trường hợp, không ký hợp đồng với người cũ, nhận người mới, đi đôi với cái bì thư (gọi là chạy việc). Sẽ có trường hợp, ai phê bình, góp ý, nói lời trái tai nhiều quá, thì hết hợp đồng cắt liền. Sếp vì chạy thành tích, sẽ tẩy chai nhân viên hay đau ốm, con nhỏ, bận chăm sóc cha mẹ già…nói chung là chưa đủ điều kiện toàn tâm, toàn ý cho công việc. Để rồi biến cái tổ chức, cơ quan thành chỗ bất nhân?
Bỏ biên chế, Nhà nước sẽ không giữ được người tài, đức, đó là điều chắc chắn.
Người thật sự có tài, có đức, họ sẽ không chú trọng đến vật chất. Điều họ quan tâm là ở chỗ họ được cống hiến tối đa, và được nhìn nhận. Nhà nước muốn trọng dụng họ thì có chính sách đãi ngộ, chứ họ không đòi hỏi. Hiểu được họ thì mới có thể dùng họ. Một số rất ít người, vì lòng yêu nước, muốn cống hiến cho đất nước, họ ở nước ngoài, trở về. Họ đâu cần nhà cao cửa rộng, tiền bạc gì. Nhiều khi chỉ một câu nói, một hành động cũng thu phục được họ. Bất cứ hành động, thái độ nào tỏ ra lạnh nhạt, tính toán, lợi dụng, gò bó,…ngay lập tức họ rời bỏ.
Bỏ biên chế, mặt trái của nó muôn hình vạn trạng. Mặc dù đó là một việc cần làm, nhưng phải hết sức thận trọng. Cần phải có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thật tốt, thật chắc mới hy vọng từng bước thành công. Hiện giờ, đội ngũ đó rất mỏng, rất ít. Bài học sát nhập, giảm biên chế đang còn đó, giảm chỗ này, phình chỗ kia, phát sinh chạy chức, chạy việc,…làm đến đâu, tiêu cực chạy theo đến đó.


GIÁO GIÀ LÊN TIẾNG:
CON TRÂU CHẾT TRÊN ĐƯỜNG CÀY CŨNG HAY!
Thật ra đã là giáo già thì ai nói gì nói, nhịn chút xíu cho qua…
Nói đây là nói cho vui, mong mọi người hiểu thêm, chứ tội nghiệp giáo già lắm! Rốt lại, trong bài Xin đừng tăng tuổi hưu cho nhà giáo, nêu mấy vấn đề của nhà giáo già:
-         Sức ì lớn, có nghĩa là không chịu học hỏi, không đổi mới các hình thức tổ chức, phương pháp dạy học theo xu hướng hiện đại, khiến học sinh nhàm chán, không muốn học.
-         Sức khỏe suy giảm, nảy sinh trạng thái tâm lý tiêu cực, khó khăn, cáu gắt với học sinh, thậm chí trách phạt học sinh, gây tâm lý sợ hãi, chán học ở học sinh.
-         Ban lãnh đạo nhà trường cả nễ nhà giáo lớn tuổi, lớp trẻ không dám góp ý.
-         Thong thả dạy, vừa dạy vừa ngồi, đến tháng lãnh lương, ý nói làm việc cầm chừng, chờ hưu.
·        Kết luận: Chỉ có học sinh là thiệt thòi!
Tôi, đã 53 tuổi, dạy học 35 năm. Xuất phát điểm tôi và các bạn bè của tôi không được như các em trẻ. Chúng tôi chỉ được học 1 năm ở trường, tính luôn kiến tập và thực tập. Bên cạnh đó chúng tôi còn phải lao động, đào kênh, lắp ao, cắt lúa,…Còn một điều quan trọng là chúng tôi không đủ cơm ăn, phải ăn độn (khoai, gạo mì, bột mì, rau,…). Chúng tôi ra trường, mỗi đứa đi một nơi, hầu hết là vùng biên giới, vùng sâu, vùng khó khăn. Trong điều kiện khó khăn nhất, chúng tôi vẫn dạy tốt, lớp lớp học trò đã thành danh. Nhà dân là nơi mà chúng tôi được tôi luyện. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, chúng tôi đã trưởng thành lên …Tôi kể sơ qua, để cho các em trẻ thấy rằng xuất phát điểm chúng tôi không bằng các em, nhưng kỹ năng sống các em còn kém xa, chẳng hạn như: hòa đồng; chịu đựng thiếu thốn vật chất; biết tự lập và quan tâm người khác; biết lao động và quý trọng của cải, biết tiết kiệm, biết chia sẻ, yêu thương!
Hồi đó, không có máy tính, không có mạng, nhưng chúng tôi có sách vở. Ở những nơi tăm tối, ánh đèn dầu khi mờ khi tỏ, chúng tôi vẫn đọc sách, vẫn học hỏi để tiến bộ, thậm chí còn học cả tiếng Anh và khiêu vũ. Tôi, và bạn bè của tôi, nhà giáo già, vẫn không ngừng học tập để nâng cao về trình độ học vấn lẫn chuyên môn. Kính lão đã đeo, lưng đã yếu mà vẫn ngồi miệt mài luyện chữ cho học sinh noi theo. Sử dụng máy tính, soạn giáo án, tìm tài liệu, tổ chức dạy học, vận dụng phương pháp hiện đại… làm được hết, sức bền, sức dai khó ai sánh kịp.
Tôi cũng chấp nhận một điều, sức khỏe suy giảm, sự linh hoạt không còn như trước, nhưng đừng nói vừa ngồi vừa dạy, dạy cho qua ngày…tội lắm, sai rồi (có đúng  với  một số nhà giáo, nhưng ai trì trệ thì trì trệ, trẻ cũng vẫn trì trệ, lười biếng). Chúng tôi sống thiếu thốn vật chất một thời gian dài, sức khỏe suy giảm sớm cũng hợp lý. Do đó, nên cho giáo viên chọn lựa, xin nghỉ sớm  hoặc trễ trong thời gian 5 năm.
Tôi cũng nghĩ mình già, chắc mình xấu xí, cáu gắt, thấy ngán mình. Nhưng học trò của tôi tuyên bố rằng không ngán cô, muốn học cô hoài, chỉ vì lý do, cô dạy con biết nhiều thứ (có khi tôi dạy thêm ngoài giờ cho học trò, khi chúng chưa hoàn thành bài học, nhất là môn Thủ công. Bạn tôi vì sợ dạy không kịp, sáng nào cũng vô lớp 6 giờ rưỡi). Tôi dụ dỗ học trò bằng nhiều hình thức, và biến lớp học thành sân khấu nhỏ mỗi khi học Kể chuyện, chúng cười vui đã đời…
Tôi có trách phạt, tùy trường hợp mà trách phạt, nếu không thưởng phạt nghiêm minh thì học trò sẽ không ngoan. Tôi, giáo già, không sợ chi búa rìu, cha mẹ và học sinhh thương, hiểu là quá hạnh phúc rồi! Chúng tôi, chưa ai từng ỉ lại, mình già, mình không ngán ai mà ngược lại, chúng tôi cố gắng làm gương, làm chỗ dựa cho lớp trẻ, thậm chí hy sinh cả tiền bạc, danh hiệu cho lớp trẻ. Mình như ngọn đèn sắp cạn dầu, cố bừng sáng cho xứng đáng. Tăng hay không tăng tuổi hưu cũng không sao, có khi con trâu chết trên đường cày cũng hay. Xin đừng chê tránh chi nhà giáo già bạn nhé!