Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2019


CÓ “TÙ NHÂN” NÀO NHƯ THẾ NÀY KHÔNG?
Tôi là một giáo viên tiểu học. Còn 1 năm nữa là nghỉ hưu. Tôi cứ làm việc theo chính lương tâm của mình. Tất cả mọi thứ đều không làm tôi chùn bước. Tôi vẫn trách phạt học sinh, thình thoảng cũng la hét, cũng đánh đòn, tôi chưa bao giờ nghe lời của ai, muốn giữ thân và “mặc kệ nó”, cho yên thân.
Mấy hôm nay nghe bàn tán chuyện lắp máy quay, theo dõi thầy trò, mục đích là phát hiện chuyện bạo hành của người thầy với học trò của mình. Ở một số nước, việc lắp máy quay là để bảo vệ an toàn cho học sinh  (xâm hại tình dục, xả súng). Rồi có người nói, giáo viên thành “tù nhân” và phụ huynh trở thành “quản giáo”, lại xót xa và trăn trở về nghề.
Tôi đi dạy, trong giỏ có nhiều thứ: băng dán cá nhân, dầu gió, kim chỉ. Trong lớp có mấy bộ quần áo, khăn giấy, hộp đa năng (đựng giấy nhãn, viết chì, viết mực, tấy, thước,…), dùng cho học sinh khi cần. Chuyện học sinh gặp sự cố, ói, bị thương, đi trong quần, phải tắm rửa, giặc quần áo dơ là chuyện thường. Rồi học sinh ăn uống đổ trong lớp, dọn cũng thường. Cực quá, nhiều khi cũng lớn tiếng vài câu, có gì quá đáng? Trạng thái tâm lý thay đổi theo tình huống giao tiếp, hỉ nộ ái ố, ai chưa từng trải qua. Làm người ai cũng như nhau, người thầy phải khác? Đúng rồi, thầy giáo như mẹ hiền, thầy thuốc cũng như mẹ hiền. Mẹ hiền có lúc nào dữ không? Chắc chắn là có. Đòi hỏi mẹ hiền nhiều thứ quá, sao trả công cho mẹ hiền rẻ vậy, không đủ sống, để mẹ hiền phải lận đận  đi kiếm sống, rồi hở một chút thì lên án, sa thải?
Sự công bằng trong xã hội hiện nay quá thấp. Nghề giáo và nghề y, được phong tặng như mẹ hiền, bởi vì một người lo về thể xác, một người lo về tâm hồn, nhưng họ chỉ được tiếng, mà không có miếng. Nghề y còn được làm thêm, nghề giáo thì cấm tiệt. Nhưng người ta vẫn dạy thêm đó thôi, như đi ăn trộm, có thưa kiện thì đi kiểm tra, bắt, lập biên bản, dính thì coi như xui, còn không thì cho qua. Cấp trên nhìn sao có một góc nhỏ vậy, đâu phải giáo viên nào cũng dạy thêm được, chỉ tập trung một số bộ môn, con một số phụ huynh nhà giàu, ở Thành phố, Thị xã, Thị trấn. Phần đông học sinh ở vùng  sâu, vùng xa, vùng bình thường, dạy miễn phí, học sinh   còn không đi học.
Hình mẫu áo blu trắng như những thiên thần, chuyên đi cứu người; hình ảnh người thầy đạo mạo, chững chạc, nhất là cô giáo với chiếc áo dài thướt tha, đôi guốc cao gót, từng là giấc mơ của bao bạn trẻ…đã không còn, thay vào đó là nỗi sợ hãi. Tai nạn nghề nghiệp rình rập, chực chờ. Niềm vui đến trường ư? Trò vui, còn thầy thì sao? Cả thầy và trò đều vui mới trọn vẹn chứ! Từ lâu rồi, xã hội này luôn đòi hỏi thầy phải thế này, thầy phải thế kia, cấm thầy thế này, cấm thầy thế kia. Có ai quan tâm đến thầy sống ra sao, thầy vui hay buồn, còn nói thầy làm nghề mặc nhiên phải chấp nhận, không thì bỏ nghề đi. Thật ra, thầy bỏ nghề rất nhiều đó chứ, thầy làm nghề khác và thầy đã thành công. Có một người thầy già, dạy học hơn 30 năm, khi về hưu, đi làm nghề khác, chỉ vài tháng, thu nhập hơn tổng tiền lương thầy đã nhận. Rồi có người thầy già, dạy tận tâm đến mức mang cái mùng vô lớp, dạy học trò xếp mùng. Thỉnh thoảng có 1 vài GV phạm lỗi, lập tức bị mọi người đánh giá hết thảy người làm nghề giáo, có công bằng không?
Cuộc sống này vốn bộn bề, thông cảm và chia sẻ rất cần thiết, tại sao không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét