Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2019


GIÁO GIÀ LÊN TIẾNG:
CON TRÂU CHẾT TRÊN ĐƯỜNG  CÀY  CŨNG HAY!
Thật ra đã là giáo già thì ai nói gì nói, nhịn chút xíu cho qua…
Nói đây là nói cho vui, mong mọi người hiểu thêm, chứ tội nghiệp giáo già lắm! Rốt lại, trong bài Xin đừng tăng tuổi hưu cho nhà giáo, nêu mấy vấn đề của nhà giáo già:
-         Sức ì lớn, có nghĩa là không chịu học hỏi, không đổi mới các hình thức tổ chức, phương pháp dạy học theo xu hướng hiện đại, khiến học sinh nhàm chán, không muốn học.
-         Sức khỏe suy giảm, nảy sinh trạng thái tâm lý tiêu cực, khó khăn, cáu gắt với học sinh, thậm chí trách phạt học sinh, gây tâm lý sợ hãi, chán học ở học sinh.
-         Ban lãnh đạo nhà trường cả nễ nhà giáo lớn tuổi, lớp trẻ không dám góp ý.
-         Thong thả dạy, vừa dạy vừa ngồi, đến tháng lãnh lương, ý nói làm việc cầm chừng, chờ hưu.
·        Kết luận: Chỉ có học sinh là thiệt thòi!
Tôi, đã 53 tuổi, dạy học 35 năm. Xuất phát điểm tôi và các bạn bè của tôi không được như các em trẻ. Chúng tôi chỉ được học 1 năm ở trường, tính luôn kiến tập và thực tập. Bên cạnh đó chúng tôi còn phải lao động, đào kênh, lắp ao, cắt lúa,…Còn một điều quan trọng là chúng tôi không đủ cơm ăn, phải ăn độn (khoai, gạo mì, bột mì, rau,…). Chúng tôi ra trường, mỗi đứa đi một nơi, hầu hết là vùng biên giới, vùng sâu, vùng khó khăn. Trong điều kiện khó khăn nhất, chúng tôi vẫn dạy tốt, lớp lớp học trò đã thành danh. Nhà dân là nơi mà chúng tôi được tôi luyện. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, chúng tôi đã trưởng thành lên …Tôi kể sơ qua, để cho các em trẻ thấy rằng xuất phát điểm chúng tôi không bằng các em, nhưng kỹ năng sống các em còn kém xa, chẳng hạn như: hòa đồng; chịu đựng thiếu thốn vật chất; biết tự lập và quan tâm người khác; biết lao động và quý trọng của cải, biết tiết kiệm, biết chia sẻ, yêu thương!
Hồi đó, không có máy tính, không có mạng, nhưng chúng tôi có sách vở. Ở những nơi tăm tối, ánh đèn dầu khi mờ khi tỏ, chúng tôi vẫn đọc sách, vẫn học hỏi để tiến bộ, thậm chí còn học cả tiếng Anh và khiêu vũ. Tôi, và bạn bè của tôi, nhà giáo già, vẫn không ngừng học tập để nâng cao về trình độ học vấn lẫn chuyên môn. Kính lão đã đeo, lưng đã yếu mà vẫn ngồi miệt mài luyện chữ cho học sinh noi theo. Sử dụng máy tính, soạn giáo án, tìm tài liệu, tổ chức dạy học, vận dụng phương pháp hiện đại… làm được hết, sức bền, sức dai khó ai sánh kịp.
Tôi cũng chấp nhận một điều, sức khỏe suy giảm, sự linh hoạt không còn như trước, nhưng đừng nói vừa ngồi vừa dạy, dạy cho qua ngày…tội lắm, sai rồi (có đúng  với  một số nhà giáo, nhưng ai trì trệ thì trì trệ, trẻ cũng vẫn trì trệ, lười biếng). Chúng tôi sống thiếu thốn vật chất một thời gian dài, sức khỏe suy giảm sớm cũng hợp lý. Do đó, nên cho giáo viên chọn lựa, xin nghỉ sớm  hoặc trễ trong thời gian 5 năm.
Tôi cũng nghĩ mình già, chắc mình xấu xí, cáu gắt, thấy ngán mình. Nhưng học trò của tôi tuyên bố rằng không ngán cô, muốn học cô hoài, chỉ vì lý do, cô dạy con biết nhiều thứ (có khi tôi dạy thêm ngoài giờ cho học trò, khi chúng chưa hoàn thành bài học, nhất là môn Thủ công. Bạn tôi vì sợ dạy không kịp, sáng nào cũng vô lớp 6 giờ rưỡi). Tôi dụ dỗ học trò bằng nhiều hình thức, và biến lớp học thành sân khấu nhỏ mỗi khi học Kể chuyện, chúng cười vui đã đời…
Tôi có trách phạt, tùy trường hợp mà trách phạt, nếu không thưởng phạt nghiêm minh thì học trò sẽ không ngoan. Tôi, giáo già, không sợ chi búa rìu, cha mẹ và học sinhh thương, hiểu là quá hạnh phúc rồi! Chúng tôi, chưa ai từng ỉ lại, mình già, mình không ngán ai mà ngược lại, chúng tôi cố gắng làm gương, làm chỗ dựa cho lớp trẻ, thậm chí hy sinh cả tiền bạc, danh hiệu cho lớp trẻ. Mình như ngọn đèn sắp cạn dầu, cố bừng sáng cho xứng đáng. Tăng hay không tăng tuổi hưu cũng không sao, có khi con trâu chết trên đường cày cũng hay. Xin đừng chê tránh chi nhà giáo già bạn nhé!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét